Loading ... Xin vui lòng chờ ...

Nhận tin tức


Điều gì quyết định nĐiều gì quyết định nhất buộc tổng thống Mỹ Ních-xơn phải chịu thua trong chiến dịch ném bom Hà Nội

Ngày đăng 27th Jul 2011 @ 8:31 AM

CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜI
Câu hỏi: Câu hỏi 13: Điều gì quyết định nhất buộc tổng thống Mỹ Ních-xơn phải chịu thua trong chiến dịch ném bom Hà Nội
Trả lời:

Đáp: Để trả lời chính xác câu hỏi nêu trên, thiết nghĩ nên đưa ra lời tự thú của chính Tổng thống Ních-xơn viết trong cuốn hồi ký của ông ta: "Nỗi lo sợ của tôi trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối và phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là ở mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”.

Khi cho tiến hành cuộc "hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II”, Ních-xơn tin tưởng một cách chắc chắn rằng bầy quái vật của ông sẽ nuốt chửng Hà Nội. Ngay một số báo chí Mỹ, lúc cuộc tiến công mới bắt đầu cũng đã vội vã tung tin và phác họa nên một bức tranh hãi hùng: "Hà Nội sẽ là một khu vực chết", "Những ai may mắn còn lại sau trận bom hủy diệt thì đó là những kẻ sống sót (survivor)". Họ còn lên tiếng hăm dọa: "Những nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ phải đứng trước một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ chiến bại", "Hà Nội sẽ không còn cách lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ".

Thế nhưng, chiến dịch ném bom tàn bạo do Ních-xơn phát động đã phải trả giá với con số tổn thất về B52 ngoài sức tưởng tượng của ông ta: 34 máy bay chiến lược đã bị bắn rơi trên tổng số 193 chiếc được huy động, cùng 47 máy bay chiến thuật bị hạ.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc nhiều phen chết lặng đi vì khủng khiếp trước con số máy bay bị bắn rơi quá nhiều. Nhưng tình hình lại càng tồi tệ hơn đối với Mỹ, bởi lẽ ngoài những chiếc B52 có đi không về, còn bao nhiêu chiếc nữa bị thương nặng phải nằm liệt nhiều ngày để sửa chữa, thậm chí có những chiếc không thể phục hồi (Chú thích: Theo Đơ-rên-cao-xki (Drenkowski) viết trong tạp chí "Không quân Mỹ" số 7-1987: Có 9 B52 về được U-ta-pao nhưng do hỏng nặng, cả 9 chiếc không còn bay được nữa.). Nền công nghiệp quân sự Hoa Kỳ, dù mạnh đến đâu cũng không sao sản xuất kịp để bù lại nổi trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn chịu thêm tổn thất về người lái. Trong quân đội, người lái máy bay được coi là sinh lực cao cấp. Để đào tạo được một phi công, đặc biệt là phi công máy bay chiến lược B52, phi công F111, loại lính "con cưng", phải tốn khá nhiều năm tháng và bạc tiền. Chỉ hơn 10 ngày, không quân Hoa Kỳ đã có nhiều phi công bị bắt, chết và mất tích. Mỗi phi hành đoàn có 6 người. 1 B52 rơi là có 6 phi công phải nhảy dù hoặc chết theo máy bay.

Thêm nữa, phần lớn những phi công bị chết và bị bắt ấy, đều là những phi công thuộc loại kỳ cựu, có giờ bay rất cao, có tên có hơn 6.000 giờ bay, la cái vốn hết sức quý của Mỹ. Các trường huấn luyện của không lực Hoa Kỳ dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nào nặn ra đủ số phi công để bổ sung cho kịp.

Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng một vài phần trăm. Thế mà trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng trong những đêm cuối năm 1972, tỷ lệ tổn thất về máy bay chiến lược Mỹ lên tới trên 17 phần trăm, một tỷ lệ có thể nói là khủng khiếp. Tổng thống Ních-xơn đã phải chịu thua và bỏ cuộc, phải gửi công hàm cho Chính phủ ta không phải với cái giọng trịch thượng, láo xược kiểu tối hậu thư như lần trước - mà với lời lẽ ôn hòa, đề nghị nối lại cuộc thương lượng ở Pa-ri, để cuối cùng phải chấp nhận những nhượng bộ cực kỳ cay đấng.

Có người nói sở dĩ Ních-xơn chịu ngừng ném bom và ký hiệp định với những điều khoản có lợi cho Việt Nam chính là do phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ. Xin trả lời: Không hẳn là như vậy?

 

Vô cùng biết ơn sự đóng góp to lớn của bè bạn bốn biển năm châu trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ đã hết lòng ủng hộ nhân dân ta, bằng những cuộc xuống đường rầm rộ, những cuộc hội thảo và lên án gay gắt, bằng phong trào đốt thẻ quân dịch, trả thẻ quân dịch, từ chối đi lính sang Việt Nam, diễn ra ở hầu khắp các thành phố, các trường đại học và cao đẳng Mỹ (Chú thích: Trong đó có Clintơn (W.J Clinton) sinh viên khoa Luật trường Đại học Iân (Yale), về sau là Tổng thống Hoa Kỳ.).

Người dân Mỹ không muốn con em họ tiếp tục chết, không muốn phải nai lưng đóng góp cho cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam nhiều hơn nữa.

No-mơn Mo-ri-xơn (Norman Morrison), theo đạo Quây cơ (Quaker), người con dũng cảm của nước Mỹ văn minh, ngày 2 tháng 11 năm 1965 tự thiêu mình trước Lầu Năm Góc để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, đã trở thành bất tử trong trái tim nhân dân Việt Nam (Chú thích: Còn có 15 công dân Mỹ khác tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như cụ bà Hen-ga Héc-dơ (Helga Alice Hertz) tự thiêu ở Detroit, anh Rô giơ La Poóctơ (Roger Laporte) tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, Chị Xilin Grancoxki...).

Cám ơn mục sư Lu-thơ Kinh (Martin Luther King) (Chú thích: Lu-thơ Kinh đã bị kẻ thù ám hại.) nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng thế giới, người đứng hàng đầu trong phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Cám ơn ông Oan-tơ Líp-men (Walter Lippmann), nhà bình luận chính trị kỳ cựu Mỹ, đã mạnh mẽ phê phán: "Cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh mất lòng dân nhất trong lịch sử. Nó đã khiến cho lương tâm người Mỹ nổi giận".

Chúng ta cũng rất biết ơn những phóng viên quả cảm như Đê-vít Hen-bớc-xtem (David Halberstam), Pi-tơ Ác nét (Peter Arnett), Xten-li Các-nâu (Stanley Karnou)), Nây Si-hen (Neil Sheehan )... từ chiến trường Việt Nam trở về đã viết những bài báo nóng bỏng tính thời sự, chân thực, tố cáo với nhân dân Mỹ và cả thế giới về cuộc chiến tranh ích kỷ, tàn bạo do nhà cầm quyền Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Cám ơn ông Đây-ni-en En-bớc (Daniel Ellsberg), một học giả nổi tiếng, với quyết định sáng suốt và táo bạo, đã "đánh cắp" bộ "Tài liệu mật của Lầu Năm Góc" (The Pentagon Papers) dày 7.000 trang và tung lên trên tờ "Nữu ước thời báo" (New York Times) để thông báo cho đồng bào ông và nhân dân thế giới thấy rõ bản chất phi đạo lý và triển vọng không lối thoát của cuộc chiến tranh này.

Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên hình ảnh vô cùng xúc động của 34 chị em phụ nữ Mỹ đã tự trói mình, ngồi suốt một ngày 13 tháng 4 năm 1971 trước Nhà Trắng, cùng hình ảnh sôi động của một triệu người dân thủ đô Oa-sinh-tơn rầm rộ xuống đường ngày 2 tháng 5 năm ấy, thét vang những khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền Ních-xơn kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Cám ơn tất cả các bạn sinh viên, thanh niên, phụ nữ, các ngài dân biểu, thượng nghị sĩ, các nhà báo, nhà văn, nhà luật học thuộc nhiều chính kiến, nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau trên đất nước Mỹ và trên khắp quả địa cầu đã góp phần thức tỉnh nhân dân Mỹ và phần lớn nhân loại, góp phần hạn chế hành động đẩy mạnh chiến tranh của chính phủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định dập tắt cuồng vọng xâm lược trong những cái đầu "diều hâu" ở Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và trong Quốc hội Mỹ lại được định đoạt từ phía nhân dân ta, ngay trên chiến trường Việt Nam, từ chiến thắng oanh liệt Tết Mậu Thân năm 1968, đến các chiến thắng to lớn ở Đường 9 Nam Lào năm 1971, ở Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và cuối cùng là chiến thắng lẫy lừng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 22 tháng 12 năm 1972, khi đến thăm Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã nói: "Đế quốc Mỹ dùng con bài B52 để ép ta, hòng bắt chúng ta phải khuất phục. Nhưng, các đồng chí đã dạy cho chúng một bài học đích đáng. Giờ đây chúng ta đang ép lại chúng nó. Chiến công của các đồng chí quý lắm! Có giá trị lắm!. Bác Đồng đã đặt một nụ hôn nồng ấm lên vầng trán đáng yêu của một nữ chiến sĩ thông tin, dường như qua đó gửi gắm tình cảm thân thiết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đến với bộ đội phòng không - không quân anh hùng.

Nửa đêm 29 tháng 12, mặc cho Bộ Tư lệnh Không quân chiến thuật đề nghị xin thêm thời gian để tiến hành phi vụ cuối cùng giải cứu mấy tên phi công Mỹ đang đánh tín hiệu cấp cứu giữa rừng già Tây Bắc, nhưng Ních-xơn vẫn ra lệnh chấm dứt cuộc oanh kích và hôm sau, lúc 7 giờ 30 phút sáng, ông ta tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. "Một bước thụt lùi thảm hại" như báo chí phương Tây nhận xét, nấc thang cuối cùng dẫn tới việc Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc Việt Nam ngày 15 tháng 1 năm 1973, trước khi gục đầu chịu thua trên bàn thương lượng ở thủ đô nước Cộng hòa Pháp ngày 27 tháng 3 năm 1973.

Rõ ràng con số tổn thất quá lớn về máy bay chiến lược B52 là lý do chính khiến người cầm đầu nước Mỹ phải chấp nhận thất bại. Sau đó là vụ Oa-tơ-ghết (Watergate) bẩn thỉu - đặt máy nghe lén điện thoại - như một đòn bồi tiếp chí mạng đã đưa Ních-xơn xuống "nấm mồ chính trị". Số phận hẩm hiu đã dành cho "bạo chúa" Ních-xơn bước đường cùng bi thảm nhất. Một ngôi sao sáng tắt ngỏm trên bầu trời nước Mỹ (Chú thích: sau khi về hưu, Ních-xơn đã sống trong chuỗi ngày nhục nhã và chết trong sự rẻ rúng, khinh miệt của người đời.) để lại một di sản xấu xa nhất trong lịch sử 200 năm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Nguồn từ: www.lichsuvietnam.vn.